Chưa chấp thuận mở thêm 4 điểm lặn biển ở Hòn Mun
VHO- Để phục vụ khách du lịch lặn biển ngắm san hô, Ban Quản lý vịnh Nha Trang vừa đề xuất UBND TP Nha Trang và UBND tỉnh Khánh Hòa cho thí điểm thêm 4 điểm lặn biển mới trong khu vực vịnh Nha Trang, gồm phía Bắc Hòn Rùa, khu vực thả rạn nhân tạo ở phường Vĩnh Hòa, phía Đông Bắc đảo Trí Nguyên, vùng nước giữa Bãi Tranh và Bãi Sỏi.
Du khách lặn biển ngắm san hô trong vịnh Nha Trang
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu về biển cho rằng cần thận trọng với đề xuất trên, đồng thời tiến hành khảo sát đánh giá một cách cụ thể trước khi đưa ra quyết định cho phép lặn biển ở 4 vị trí trên.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý (BQL) vịnh Nha Trang, trước đây, trong khu vực vịnh Nha Trang có 7 điểm được lặn biển, trong đó có 6 điểm ở khu vực biển Hòn Mun. Từ tháng 6.2022, sau khi tạm ngừng hoạt động lặn biển ở Hòn Mun, các doanh nghiệp tập trung tổ chức lặn biển tại Hòn Rơm nên sức ép ở khu vực này rất lớn. Trong thời gian thực hiện tạm thời dừng các hoạt động bơi, lặn biển và các hoạt động khác tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt đảo Hòn Mun, BQL vịnh Nha Trang đã tổ chức khảo sát, đánh giá nhanh tình trạng rạn san hô ở Hòn Mun định kỳ 3, 6 tháng/lần.
Kết quả khảo sát, đánh giá nhanh thời gian gần đây nhất cho thấy, giá trị trung bình độ phủ san hô sống (bao gồm san hô cứng và san hô mềm) đối với rạn ở phía Bắc Hòn Mun khoảng 65,5%. Theo tiêu chuẩn sức khỏe rạn thì độ phủ san hô sống ở Bắc Hòn Mun nằm ở khoảng giữa thang bậc xếp loại tốt (từ 51-75%). Trong đó san hô cứng chiếm 60%, san hô mềm chiếm khoảng 5%. Đối với các loài cá rạn san hô, kết quả khảo sát cho thấy cá Mó gù, xuất hiện dưới 0,5 cá thể và cá Bướm xuất hiện 1 cá thể tại các mặt cắt khảo sát. Cá Bướm, cá Mó trung bình khoảng 2 cá thể trên mỗi đoạn 20m của dây mặt cắt. Điều đó cho thấy một phần do ảnh hưởng của việc mất môi trường sống (rạn san hô) do tác động của cơn bão tháng 12.2021 (bão Rai) làm gãy đổ san hô.
Còn ở phía Tây Nam Hòn Mun, khu vực mà rạn san hô bị ảnh hưởng nặng nề nhất của cơn bão Rai năm 2021 đã làm gãy đổ và sóng đánh lên bờ tới 80 -90% diện tích rạn san hô gần bờ, độ phủ san hô còn lại 10%. Tuy nhiên, qua kết quả khảo sát tháng 10.2022 và tháng 3.2023, san hô khu vực này đang có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là các loài san hô thuộc giống Acropora chiếm ưu thế, khi san hô 1-2 tuổi có độ phục hồi nhiều, mầm san hô non cũng đang mọc lên dày. Riêng ở phía Nam Hòn Mun, kết quả khảo sát cho thấy độ phủ san hô khoảng 70-80%, tập trung ở độ sâu từ 5 - 15 m. Theo tiêu chuẩn sức khỏe rạn thì độ phủ san hô sống ở Nam Hòn Mun nằm ở khoảng của thang bậc xếp loại tốt (từ 51-75%). Thành phần loài san hô đa dạng, trong đó san hô mềm có kích thước trung bình đến khá lớn, do đó khu vực này có nhiều loài cá rạn quay về và tập trung sinh sống. Các loài cá như cá Bướm, cá Mó, cả Mú trung bình khoảng 3 cá thể trên mỗi đoạn 20m của dây mặt cắt. Nhiều nhất là các loài cá Thia và cá Đuôi gai. Qua kết quả khảo sát nhanh, hiện trạng rạn san hô khu vực này đang phát triển tốt hơn 2 khu vực trên.
TS Hoàng Xuân Bền, Phó Viện trưởng Viện Hải dương học cho biết, dữ liệu đầu vào ở những điểm mà BQL vịnh Nha Trang đề xuất thí điểm lặn biển còn thiếu tính khoa học, chưa thấy nói đến độ phủ san hô, mật độ, kích thước các loài cá rạn sinh sống ở các khu vực này. Chính vì vậy, nếu triển khai thí điểm lặn biển cần phải khảo sát, đánh giá hiện trạng rạn san hô ở các khu vực này. Để sau khi triển khai thí điểm một thời gian, chúng ta quay lại khảo sát đánh giá mức độ tác động của hoạt động lặn biển ở các khu vực này, từ đó sẽ đưa ra quyết định dừng lại hay tiếp tục triển khai.
TS Nguyễn Như Hưng, Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Chi nhánh ven biển cho rằng, trong bối cảnh tỉnh đang triển khai kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang, trong đó có việc bảo tồn và phục hồi các rạn san hô, việc triển khai thí điểm thêm các điểm lặn mới trong giai đoạn này cần hết sức thận trọng. Nếu triển khai phải khảo sát, ghi lại số liệu khoa học và hình ảnh để so sánh, đánh giá về sau và phải có sự tham gia của các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu khoa học để có đánh giá khách quan. Sau khi nghe ý kiến của đại diện các Sở, ngành và các nhà khoa học, ông Đinh Văn Thiệu kết luận: UBND tỉnh đang triển khai kế hoạch phục hồi tổng thể vịnh Nha Trang, trong đó có việc phục hồi các rạn san hô trong vịnh. Việc triển khai thí điểm lặn biển thể thao giải trí trên vịnh cần được xem xét kỹ lưỡng, đảm bảo hài hòa giữa phát triển du lịch và bảo vệ hệ sinh thái biển. Do đó, BQL vịnh Nha Trang phối hợp với Viện Hải dương học, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Chi nhánh Ven biển tổ chức đánh giá thực trạng rạn san hô tại những khu vực đề xuất thí điểm, từ đó có cơ sở dữ liệu khoa học để xây dựng phương án tổ chức thí điểm mô hình này với quy mô, tần suất khai thác hợp lý, báo cáo UBND tỉnh để xem xét các bước tiếp theo.
XUÂN HƯỚNG